Bối cảnh Chiến_dịch_Serbia_(Thế_chiến_thứ_nhất)

Sau chiến tranh Nga-Thổ 1877–78 với sự thất bại của Đế quốc Ottoman, một loạt nhà nước ở khu vực Balkan đã được thành lập hoặc giành được độc lập từ tay Đế quốc Ottoman như România, Serbia, Montenegro và Bulgaria. Bên cạnh đó, Hội nghị Berlin diễn ra không lâu sau cuộc chiến đã khơi mào mối bất hòa giữa Đế quốc Nga và Đế quốc Áo-Hung khi trao vùng Bosna và Hercegovina từ Ottoman sang cho Áo-Hung.[1]

Từ năm 1903, quan hệ ngoại giao giữa Serbia và Áo-Hung bắt đầu xấu đi sau cuộc đảo chính đưa Vua Peter I lên ngôi tại Serbia và vị vua này quyết định liên minh với Nga. Năm 1906, Áo-Hung đóng cửa biên giới, ngăn không cho Serbia xuất khẩu nông sản vào nước này.[2] Hai năm sau đó, quan hệ Serbia-Áo và Nga-Áo ngày càng căng thẳng với sự kiện Áo-Hung chính thức sáp nhập Bosna và Hercegovina.[3][4] Việc sáp nhập này đã khiến Serbia thậm chí còn kêu gọi chiến tranh với Áo-Hung nhưng do không nhận được sự ủng hộ từ Nga nếu chiến tranh xảy ra nên chính phủ Serbia đã từ bỏ ý định.[5] Tình trạng này đã khiến khu vực Balkan được đánh giá là “thùng thuốc súng của châu Âu.”[4]

Các cuộc chiến tranh Balkan

Chiến tranh Balkan lần thứ nhất giữa Liên minh Balkan và Đế quốc Ottoman đã kết thúc với thắng lợi của các nước Balkan: Bulgaria, Serbia, Montenegro và Hy Lạp mở rộng được lãnh thổ; Ottoman mất gần như tất cả những lãnh thổ của họ ở châu Âu và nước Albania ra đời. Sau đó, giữa Bulgaria và hai đồng minh Serbia, Hy Lạp phát sinh mâu thuẫn về vấn đề phân chia lãnh thổ giành được nên Bulgaria vào ngày 29 tháng 6 năm 1913 đã tấn công Serbia, mở đầu Chiến tranh Balkan lần thứ hai. Các nước khác như România, Montenegro và Đế quốc Ottoman đứng về phía Serbia. Kết quả là Bulgaria bại trận và mất gần hết những lãnh thổ mà họ giành được trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất, chỉ còn lại một vùng nhỏ MacedoniaThrace.[6]

Khủng hoảng Tháng bảy

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia cũng như của Chiến tranh thế giới thứ nhất là vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand tại Sarajevo, Bosna. Ngày 28 tháng 6 năm 1914, khi thái tử Franz Ferdinan bị một số thành viên của Tổ chức Bàn tay đen thực hiện kế hoạch ám sát tại Sarajevo. Áo-Hung đã gửi tối hậu thư cho Serbia vào ngày 23 tháng 7 với nghi ngờ Belgrade lên kế hoạch cho cuộc ám sát.[7] Tối 25 tháng 7, Serbia gửi tối hậu thư đến đại sứ Áo-Hung quyết tâm hòa giải cuộc xung đột nhưng Áo-Hung vẫn không chấp thuận và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Serbia.[8] Ngày 28 tháng 7 năm 1914, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia và trong cùng ngày hôm đó người Serbia đã phá hủy toàn bộ các cây cầu bắc qua sông SavaDanube để ngăn việc Áo-Hung sử dụng chúng để tấn công nước này.[9] Một ngày sau đó, Belgrade bị pháo kích, Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như chiến sự tại mặt trận Serbia chính thức bùng nổ.[10]